Nếu đã theo nghiệp viết content, bạn chắc chắn phải biết đến thẻ Meta Description. Để một bài viết hay, hấp dẫn thu hút người khác, bạn cần biết cách tinh chỉnh để tạo nên nội dung meta chất lượng. Không chỉ đúng quy luật mà còn phải hay, lôi cuốn và đánh trúng mong muốn khách hàng. Vậy làm thế nào để tạo nên thẻ Meta Description hấp dẫn? Hãy cùng Kết nối đam mê tìm hiểu qua bài viết sau.
Thẻ Meta Description là gì?
Meta Description là một phần tử trong mã HTML của trang web cung cấp mô tả ngắn gọn về nội dung của trang đó. Mặc dù khách truy cập trang web không thể nhìn thấy trang web đó trực tiếp. Nhưng các công cụ tìm kiếm như Google sử dụng nó để hiển thị một trang web trong kết quả tìm kiếm.
Hay nói cách khác, thẻ Meta Description giúp bạn tìm ra kết quả giống với nhu cầu của mình nhất. Thẻ Meta Description sẽ được xuất hiện ngay bên dưới tiêu đề trang, thuận lợi cho người dùng nhìn thấy. Ngay khi người dùng nhập từ khoá tìm kiếm của mình vào thanh công cụ tìm kiếm trên internet!
Trong rất nhiều trường hợp, Meta Description cũng có thể xem như 1 Meta Tag. Vì văn bản không xuất hiện trực tiếp trên trang mà nó được gắn vào thẻ Meta Description và hiển thị trong HTML.
Thẻ Meta chất lượng, hay đóng vai trò như cầu nối giúp người đọc click vào bài viết của bạn. Do đó, đừng lờ đi sự lợi hại của nó.
Tầm quan trọng của thẻ Meta Description
Meta Description xuất hiện cùng với tiêu đề và URL của bạn trên chuyên mục kết quả tìm kiếm. Chúng có khả năng quyết định làm tăng hoặc làm giảm tỷ lệ nhấp vào kết quả của bạn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc có từ khóa trong nội dung của Meta Description khiến cho các công cụ tìm kiếm có thể xếp thứ hạng cho bài viết của bạn.
Chúng ta cần lưu ý rằng, thẻ Meta Description chất lượng cho bài viết chuẩn SEO chỉ nên có từ 140 – 160 ký tự mà thôi. Như vậy, Google có thể hiển thị hoàn toàn nội dung bài viết ở thẻ Meta. Điều này, giúp bạn dễ dàng tìm kiếm và chắt lọc thông tin hơn. Theo chia sẻ của Marketer Trần Thanh Quang – công ty dịch vụ SEO uy tín tại TPHCM thì hiện nay thẻ Meta đang dần tỏ ra có tác động nhiều hơn đến kết quả thứ hạng trên Google, khi mà nó có tỉ lệ tác động đến khả năng Click vào kết quả của người dùng.
Thẻ meta Description không phải là quan trọng nhất bởi có rất nhiều người thậm chí không bỏ thời gian để đọc nó. Tuy nhiên, chắc chắn khi người dùng cần so sánh thông tin, họ sẽ chọn lựa bài viết có thẻ meta trùng với điều mong muốn của mình.
Nội dung trong thẻ Meta Description có thể được hiển thị thành 2 dòng văn bản, trong khi tiêu đề chỉ 1 dòng và URL cũng 1 dòng. Do đó, hãy cố gắng chuốt nó kỹ càng để trang “web” của bạn trở nên có ý nghĩa hơn cho người tìm kiếm.
Tìm hiểu thêm về SEO:
Bí kíp viết thẻ Meta Description chuẩn SEO lôi cuốn
Không phải cứ viết hay là bạn có thể tạo nên những thẻ Meta Description ấn tượng, hấp dẫn. Bạn cần phải chú trọng những tuyệt chiêu sau đây, để nội dung truyền tải tiếp cận được tới người đọc.
Đảm bảo độ dài
Nếu Meta Description quá dài, không vừa vặn với kích thước thẻ, Google sẽ tự động cắt bớt chữ. Mọi người khi đọc những nội dung bị cắt bớt sẽ không hiểu hết những gì trang web của bạn có thể cung cấp. Hoặc tệ hơn là hiểu lầm nội dung.
Google dành chỗ cho bạn múa bút khoảng 1-2 câu (160 ký tự) tóm tắt bên dưới mỗi kết quả tìm kiếm. Vì vậy, với độ dài Meta ngắn ngủi này, bạn phải đưa ra lý do thuyết phục người đọc click truy cập trang web của mình.
Tóm tắt ý chính chủ đề, nội dung bài viết
Thẻ Meta Description phải tóm tắt được ý chính chủ đề, tóm gọn nội dung bài viết. Tức là, khi đọc thẻ Meta người đọc phải biết được nội dung bài viết có gì mình cần hay không?
Nếu nó quá mơ hồ, mọi người sẽ không quan tâm và nhanh chóng bỏ qua bài viết. Dù nội dung bài của bạn có tuyệt đỉnh đi chăng nữa, mà không thể kéo được người đọc nhấn vào link thì cũng chỉ hoài công. Có vô số những bài viết liên quan có thẻ Meta chất lượng. Và chắc chắn, người đọc sẽ không lãng phí thời gian dành cho bạn, nếu không biết web này nói về điều gì.
Nội dung trúng “insight” người cần
Insight vô cùng quan trọng, không chỉ ở tiêu đề hay bài viết mà nó cũng rất giá trị ở thẻ Meta. Ví dụ, người đọc cần mua cam chín. Vậy thẻ Meta nên nói về điều gì? Đó là những nội dung người đọc quan tâm như giá rẻ, chất lượng, sạch, cam ngọt, thơm,…
Khi lồng ghép một cách tinh tế điều khách hàng quan tâm vào thẻ. Bạn đã biết cách để kéo khách hàng đến gần hơn một bước với mình rồi đó.
Hãy học cách xác định insight khách hàng, bách phát bách trúng ngay từ lần đầu tiên. Bạn chỉ có khoảng từ 5-10s khi khách hàng lướt mắt qua mà thôi. Do đó, chớ có lan man dài dòng vứt bỏ cơ hội.
Có từ khoá chính
Hiển nhiên, Meta Description phải có từ khoá chính. Từ khoá này, giúp Google tìm thấy bạn nhanh chóng, dễ dàng hơn trong hàng ngàn bài viết khác. Nếu thẻ Meta không chứa từ khoá chính, chắc chắn sẽ không thể chuẩn SEO được. Bài không chuẩn SEO, rất khó lọt top.
Ngoài ra, bài viết của bạn viết nội dung về từ khoá chính này. Đôi khi tiêu đề khiến người đọc khó hiểu. Việc từ khoá xuất hiện tại thẻ Meta description có thể giúp người đọc minh bạch hơn về điều web bạn đang hướng tới.
Tránh tình trạng “quá tải” từ khoá
Không nên quá tối ưu việc chuẩn SEO bằng cách nhét hết tất cả từ khóa chính phụ vào thẻ Meta. Đặc biệt với những từ khoá quá dài, khi nhìn vào chỉ thấy mỗi từ khoá mà chẳng thấy điều gì khác cả.
Bạn đang biến web của mình thành một đứa trẻ ấu trĩ, chỉ muốn đạt kết quả bằng mọi cách. Do đó, hãy cân nhắc lựa chọn từ khóa phụ phù hợp nhất ngoài từ khoá chính để thêm vào thẻ Meta. Nếu bạn cảm thấy không cần thiết thì chỉ cần mỗi từ khoá chính thôi cũng đủ rồi.
Bạn cũng nên lưu ý về vị trí của từ khoá chính. Càng gần đầu thẻ Meta càng tốt!
Đạt chuẩn unique
Để tránh bị Google đánh lỗi trùng lặp, bạn cần tạo nên thẻ Meta description độc đáo và duy nhất. Nội dung thẻ nếu đạt chuẩn Unique 100% sẽ giúp bạn nắm giữ vị trí top đầu nhanh và lâu hơn.
Và chắc chắn, với nội dung sáng tạo khác biệt với phần đa các web khác, người dùng sẽ đánh giá cao bài viết của bạn hơn rồi. Cũng có một số thứ bạn có thể coppy được ví dụ như định nghĩa, lời dịch,… Nhưng đó là dành cho bài viết, thẻ meta chỉ có một đoạn ngắn. Tốt hơn hết bạn nên sử dụng lời của mình để viết ra thẻ Meta hoàn toàn mới.
Không sử dụng ngoặc kép
Ngoặc kép là một trong những ký tự có thể khiến Google hiểu nhầm và cắt bớt nội dung. Nếu bạn thêm dấu ngoặc kép trong phần nội dung, thì nội dung hiển thị trên thanh công cụ tìm kiếm chỉ đến dấu ngoặc kép.
Không chỉ ngoặc kép, mà cả những ký tự đặc biệt cũng có thể khiến Google hiểu nhầm. Tuy nhiên, đừng lo lắng nếu bạn vẫn nhất định phải sử dụng chúng. Hãy học cách viết ký tự đặc biệt trong thẻ Meta bằng các ký tự thực thể HTML.
Nên sử dụng lời kêu gọi trong thẻ Meta Description
Thêm ngôn từ khéo léo, dễ nghe, ấn tượng,…cũng là cách giúp bạn lôi kéo được người đọc Click vào bài viết. Ví dụ như: Hãy khám phá ngay…, Xem ngay…,
Tuy nhiên, hãy làm mọi thứ thật tinh tế. Chỉ có sự tinh tế, thấu hiểu mới khiến người đọc tò mò, muốn tìm hiểu và không có cảm giác bị lợi dụng.
Điểm này còn đặc biệt nên sử dụng với những bài PR, quảng cáo bài viết sản phẩm.
Tổng Kết
Thẻ Meta Description vô cùng quan trọng trong bài viết chuẩn SEO. Nếu biết cách đúc kết tạo thẻ ấn tượng, bạn sẽ giúp bài viết nằm trong top đầu. Thử những tuyệt chiêu trên, và chờ xem kết quả nhé!